Gốm sứ kết đôi với chất liệu khác để cho mỹ thuật ứng dụng thêm chất 'nghệ'
- Gối
- 6 thg 11, 2024
- 7 phút đọc
Đã cập nhật: 8 thg 11, 2024
Những thứ đẹp đẽ được tạo ra chỉ để ngắm được gọi là 'fine art' trong tiếng Anh, để phân biệt với 'applied art' là những thứ tạo ra để xài, nhưng cũng có chút đẹp. Gốm sứ 'fine art' ( gốm sứ mỹ thuât ) có một sức hút kỳ lạ của những thứ sinh ra chỉ để ngắm, níu chân cả những ai không thực sự am hiểu nghệ thuật. Dù không thường xuyên lui tới các gallery, người ta vẫn dễ dàng bắt gặp những tác phẩm này ở đây ở đó, đặc biệt là ở những không gian được chăm chút như quán cà phê của một anh chủ quán có gu.
Đèn spotlight chiếu ánh sáng dìu dịu một góc phòng, một bức tranh sơn dầu trên nền tường xám loang giả cổ và một chiếc bình gốm men lạ đặt cạnh bên là đủ vẽ nên một không gian thiêng liêng của nghệ thuật hàn lâm, giữa bối cảnh sống bình dân. Tính hàn lâm của những thứ thuộc địa hạt chỉ-để-ngắm là điểm mê hoặc chúng ta.

Làm sao để đồ gốm để xài nhìn 'nghệ' như đồ gốm chỉ để ngắm?
Gốm sứ chức năng bao gồm một loạt các món ta thường xuyên động chạm hằng này: ly-cốc-chén-bát-bình hoa-chân đèn,..., được làm bằng đất sét rồi đem nung. Khi những thứ này được làm đẹp hơn, thì ta nói nó được ứng dụng tính mỹ thuật - gọi nôm na là 'gốm sứ mỹ thuật ứng dụng'. Điều kỳ cục là dù tốt nghiệp đại học ngành này, tôi chưa bao giờ được nghe định nghĩa chuẩn chỉnh về mỹ thuật ứng dụng trong sách vở tiếng Việt (hay tôi đã học mấy năm mà không màng cả khái niệm nhỉ? ). Vì vậy tôi đành chế cháo theo cách hiểu riêng mình.
Với tư cách người sử dụng, ta có thể nâng tầm gốm sứ chức năng thành gốm sứ mỹ thuật ứng dụng trong phút mốt, đơn giản là đừng... xài nữa, mà chỉ để ngắm thôi. Như là, hãy treo cái dĩa bạn thích lên tường để nó góp vào phẩn vào mục đích trang trí nội thất thay vì dùng nó để đựng rau muống xào tỏi.
Còn với tư cách các nhà sản xuất thì sao? Ngày nay họ có vô số cách để tạo nên sản phẩm gốm sứ chức năng đẹp tiệm cận các sản phẩm gốm sứ trang trí, mà lại còn nhanh nữa. Có thể ví dụ, công nghệ in 3D kết hợp với AI đã giúp tạo ra các kiểu dáng lạ mắt tức khắc. Từ các mẫu này, dễ dàng tạo khuôn để đúc hàng loạt món đồ từ đất sét, vừa đẹp vừa rẻ (vì sản xuất với số lượng lớn). Chúng ta chìm trong vũng lầy của chủ nghĩa tiêu dùng khởi nguồn từ đó. Ai cũng thích tha về nhà các thứ vừa đẹp vừa rẻ.
Nhưng điểm mấu chốt là: Đồ gốm ứng dụng dù sao vẫn phải tuân thủ các quy tắc về cấu trúc để nó được sản xuất nhanh chóng, rồi mau mau bán cho nhiều người. Có nhiều lý do chuyên môn: để tiết kiệm diện tích trong lò nung, để dễ dàng "thoát khuôn", để dễ dàng thuê thợ gia công. Việc nhân bản đồ gốm thường phải dùng tới khuôn thạch cao. Đất sét lỏng sẽ được đổ vào khuôn để tạo hình rồi khô lại trong đó, nên sẽ rất khó để gỡ ra nếu một điểm nào đó của mẫu thiết kế bị tắc lại trong khuôn. Mẫu đất sét và khuôn cần phải theo 1 phương, nhỏ dần đều hoặc to dần đều tùy theo hướng nhìn, để có thể nhấc mẫu vật ra trơn tru. Hãy nhớ lại kiến thức môn hình học không gian lớp 12 để dễ tưởng tượng hơn. Nếu cố chấp với một mẫu thiết kế phức tạp, thì phải tạo một cái khuôn gồm rất nhiều mảnh ghép lại. Tạo khuôn nhiều mảnh rất phức tạp, vậy nên đồ gốm ứng dụng cũng phải tiết chế theo để tối ưu công sức, sâu xa là tiết kiệm chi phí sản xuất. Đâu ai muốn trả nhiều tiền để mua một món đồ không phải độc bản, vậy sao lại phải dành quá nhiều chi phí để sản xuất nó? Câu 'tiền nào của nấy' không bao giờ sai.

Đồ gốm ứng dụng có thể 'nghệ' hơn mà không cần bắt chước cấu trúc cầu kỳ của đồ gốm sáng tác độc bản. Thay vào đó, cò thể học tập cách phối đa chất liệu mà các nghệ sĩ gốm độc bản thường áp dụng, để nhìn 'nghệ' hơn.
Các vật liệu kết hợp giúp nâng tầm gốm sứ mỹ thuật ứng dụng
Gốm + gỗ
Toàn các nguyên tố gắn liền với đất. Nên sự kết hợp giữa gốm và gỗ rất tự nhiên. Gốm thì mát, gỗ thì ấm, cả 2 đều có thể biến hóa cùng nhau để cho ra nhiều phong cách. Chưa kể bản thân các khối gỗ đều là một tạo tác thiên nhiên duy nhất, cho nó cái cảm giác "hàn lâm" đắt đỏ. Đây là một sự kết hợp bất hủ. Gỗ và đất sét đã đi vào lịch sử mỹ thuật ứng dụng dưới bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, và hiện tại vẫn là một kiểu thiết kế được ưa chuộng.

Gốm + Kim loại
Sự kết hợp giữa kim loại và gốm không chỉ đơn thuần là vật liệu, mà thực tế là một ngôn ngữ thiết kế mới. Ngày càng có nhiều loại hợp kim mới được ứng dụng trong ứng dụng trong lĩnh vực trang trí, với chi phí thấp mà trông sang xịn mịn không kém vàng bạc. Tôi nhớ cái cảm giác "oh quao" khi lần đầu thấy 1 đôi bông tai từ chất liệu thép y tế có màu hồng ánh xanh, cái màu lạ kỳ. Và sau đó từ khi mò với men gốm, tôi được khai sáng về đặc tính của các kim loại khác, xa khỏi mục đích ban đầu là chỉ tìm hiểu công thức men. Công việc của tôi dính liền với kim loại. Dễ hiểu khi các nhà thiết kế mỹ thuật ứng dụng sẽ khao khát kết hợp vẻ đẹp đó với đồ gốm. Các hiệu ứng bề mặt đa dạng của kim loại, lúc thì bóng loáng soi gương được, khi thì mờ lì kiểu thời thượng; đều có thể kết hợp với một phong cách tạo hình gốm để thành một tác phẩm mỹ thuật nhất quán.

Nhưng không chỉ dừng lại ở sự kết hợp đơn thuần về mặt tạo hình, sự giao thoa giữa gốm và kim loại có thể tạo ra một loại vật liệu hoàn toàn mới. Thực tế là trong đất sét thường có lẫn kim loại và chính các nguyên tố này ảnh hưởng tới vẻ ngoài sau nung của đồ gốm; cũng hoàn toàn có thể thêm kim loại vào đất sét một cách có chủ đích để khiến gốm bền hơn và tạo ra hiệu ứng lạ mắt khi kết hợp cùng men.
Gần đây, nghệ nhân pháp lam Đỗ Hữu Triết đã giới thiệu một khái niệm mới, "Việt Kim Diêu", để chỉ loại vật liệu kết hợp giữa gốm và kim loại này, do ông sáng tạo ra. Hiệu ứng của nó loang lổ khôn lường, đậm chất mỹ thuật chỉ-để-ngắm. Có lẽ vì thế mà tôi chưa thấy nó được ứng dụng vào việc sản xuất các sản phẩm gốm chức năng. Tuy nhiên tôi đoán là nó đủ an toàn để làm vật chứa nước lọc hoặc các loại thực phẩm không có tính axit, vì thành phần chính của nó gồm đồng và đất sét. Nồi đồng là loại dụng cụ nhà bếp sang chảnh với người Việt xưa, do tính chất đồng khiến gạo ngọt thơm hơn. Nếu ly cà phê được sản xuất bằng chất liệu này, tôi sẽ mua một cái để nâng tầm bữa cà phê sáng.

Gốm + Thủy tinh
Gốm là đất sét đã bị thủy tinh hóa một phần hoặc hoàn toàn, nên về mặt bản chất, gốm là anh em con chú con bác với thủy tinh. Thủy tinh trong suốt và có khả năng khúc xạ ánh sáng. Nếu kết hợp khéo léo với màu men gốm, thủy tinh có thể phản chiếu được các cường độ màu sắc sâu xa hơn của lớp men gốm. Từ đó khiến tổng thể tác phẩm trở nên hấp dẫn giống như ta đang chiêm ngưỡng một bức tranh trừu tượng nhiều chi tiết.

Gốm + Nhựa
Đây là sự kết hợp hiện đại nhất mà cá nhân tôi luôn háo hức để thử. Lý do thứ nhất là vì nó rất dễ làm thủ công tại nhà. Lý do thứ hai là vì nó chưa phổ biến lắm, so với các chất liệu đã kể trên, còn tôi thì thích thử nghiệm. Người ta thường chấp niệm nhựa là đồ rẻ tiền, nhưng quên mất giá trị tạo hình có thể giúp nâng cấp chất liệu đó lên một tầm cao mới về vẻ đẹp và... giá cả.
Nhựa Epoxy có thể giả dạng gốm sứ một cách dễ dàng, trong khi giá thành và công chế tác ít tốn kém hơn gốm rất nhiều. Khi kết hợp với gốm, nó bổ sung kết cấu cho gốm. Ví dụ như, nếu bạn muốn tạo ra một cái bình hoa Raku bề mặt thô nhám, nhưng lại muốn có các giọt chảy bóng loáng giống sứ. Điều này hơi bất khả nếu bạn tính làm cái bình đó hoàn toàn bằng đất sét. Nhưng hoàn toàn có thể kết hợp nhựa Epoxy nhỏ giọt lên thân bình để nó trông giống gốm bóng.

Với sự kết hợp đa chất liệu, giờ đây gốm sứ ứng dụng không đơn thuần là đồ chỉ để xài nữa
Với góc nhìn của một nghệ sĩ mỹ thuật ứng dụng, tôi cảm thấy như mình đang lạc trôi trong không gian sáng tạo vô hạn, và có một chút sợ sệt rằng có vẻ như công nghệ đang tiến quá nhanh tới nỗi mỹ thuật hàn lâm cũng có thể trở nên lỗi thời. Tôi thích mỹ thuật độc bản truyền thống, nhưng như tôi luôn quan niệm kể từ ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, là cần phải nhân bản mọi thứ đẹp đẽ để ai ai cũng có thể sở hữu, ngắm nhìn; vì "người ta sống không nguyên bởi bánh". Người ta cần đồ đẹp làm món ăn tinh thần, vây mới có thể sống trọn vẹn. Vật liệu ngày nay rất đa dạng: gốm sứ có thể là đại diện của mỹ thuật truyền thống, để sóng đôi với các chất liệu mới hiện đại, nhằm mang lại những trải nghiệm tiêu dùng thú vị cho tất cả mọi người.
Và Hand Fetish Projects đâu chỉ giới hạn ở gốm sứ. Gốm sứ chỉ là điểm khởi đầu. Một ngày nào đó sẽ có đồ nhựa rất nghệ ở đây!
Comments