Sự vô thường của lò gốm, gốm và kỹ năng của tôi
- Gối
- 6 thg 6
- 7 phút đọc
Con người dường như ngày càng quan tâm tới môi trường hơn, song song với việc làm môi trường tàn tạ hơn. Cũng như mấy anh ham nhậu chạy bộ để có thể ăn uống thả cửa, con người ta bắt đầu thích tái chế đồ đạc.
Tôi cũng tái chế, trong phạm vi phòng làm việc nhỏ xíu của mình. Một số người tái chế đồ như một tuyên ngôn đạo đức — cứu vớt tàn tích của đời sống cũ, thổi vào đó hơi thở mới. Còn tôi tái chế để đối diện với chính bàn tay mình, để khỏi xấu hổ vì đã hấp tấp, vì lười biếng, vì đã mua một cái lò nung rẻ tiền làm hỏng nhiều đồ gốm.
Nói cho rõ ý: Tôi không nhặt nhạnh chai lọ rồi cắt dán lại làm đồ dùng. Tôi không sửa đồ cũ để giả làm đồ cổ. Tôi cũng không làm đẹp cho đồ xấu không muốn xài. Đây là hình thức thực nghiệm chưa có khái niệm trong tiếng Việt, gọi là "tái chế" thì có vẻ tầm thường, gọi là "tân trang" thì cũng sai vì không thể làm mới đồ đương mới. Nó là quy trình chỉ có nghệ sĩ kiêm chủ lò nung mới làm được. Đó là một trong các lý do khiến tôi nhất quyết phải sở hữu lò nung riêng , bất chấp không gian hạn chế.

Lò nung không chỉ là một công cụ, nó là nguyên nhân và kết quả của mọi cuộc kiến thiết đồ gốm...
Lò nung điện giá rẻ chính là loại khiến mấy người làm gốm trên Reddit sùi bọt mép. Mấy người đó nói rằng: nghệ sĩ đích thực thì không dùng đồ rởm. Giống như là nghệ sĩ thì không được ít tiền, hoặc có khi là ý ngược lại, ít tiền thì không thể mang mác nghệ sĩ. Tôi lê la trên diễn đàn đó vì tôi muốn tự học về hóa học men và học hỏi kinh nghiệm từ những người có lò nung xịn, khấu trừ vào thời gian của kẻ ít tiền.
Cái kiểu suy nghĩ rất tư bản đó tôi thừa nhận là đúng phần nào dù có hơi xúc phạm. Nhưng tôi đã phải ăn rau muống thay thịt bò rồi, biết sao được. Mặt khác, tôi đã từng thấy tấm hình một anh Châu Phi tập tạ bằng bình nước đổ xi măng. Không máy móc, không whey, chỉ có đồ tự chế đảm bảo công năng chứ không màu mè vằn vện, vậy mà thân hình vẫn đẹp như tượng tạc. Tôi chính là muốn như anh Châu Phi ấy trong lãnh địa gốm sứ.
Như tôi nghĩ thì lò nung gốm là một vật thể không phức tạp. Người ta đã chế ra lò nung điện cách đây cả trăm năm rồi. Tôi biết đại khái nó dùng điện trở để làm nóng buồng đốt. Lúc mới tìm hiểu, tôi hoang mang không biết nó có làm cháy nhà không. Tôi lặn ngụp trên các website Việt Nam, mong tìm được một nơi bán tử tế, ghi thông số rõ ràng, có hướng dẫn đường hoàng. Tôi không cần bí quyết nung — tôi chỉ cần được biết chính xác mình đang mua cái gì. Nhưng không hiểu sao, làm ăn với đồng hương lại khó thế. Người bán cứ trong tâm thế là cái đứa mua ngu lắm nên không cần phải giải thích với nó về điện. Tôi sẽ không mua cái gì mình không hiểu.
Trong lúc tuyệt vọng — tôi ngó sang bên láng giềng Trung Quốc. Ít nhất họ làm ăn đàng hoàng: giá cả rõ ràng, thông tin minh bạch, đặt phát là ship tới nơi. Chỉ có điều vật liệu hơi đáng ngờ mà về sau này tôi mới vỡ lẽ ra. Thêm một cú sốc khác: vì khả năng tinh chỉnh chu trình gia nhiệt của nó hạn chế, nên tôi luôn loay hoay với việc xứ lý hiệu ứng men. Và một điều quan trọng nữa là: nếu hư thì chẳng thợ nào ở Sài Gòn chịu sửa, dù tôi năn nỉ hay trả thêm cũng vậy. Mọi người đều có một tâm lý cố chấp là giá sửa phải rẻ hơn giá mua mới hợp lý, nên khi tôi khai ra lò của mình mua từ Trung Quốc, hình như tất cả thợ nhiệt điện đều "rén" cả vì chắc gì tôi đã chịu trả giá sửa cao một chút, một khi tôi đã hà tiện chọn mua một cái lò Trung Quốc rẻ tiền.
Làm việc với đồ rởm là một loại kỹ năng
Tuy lò chập cheng là thế, tôi vẫn xoay xở nung được kha khá mẻ cho tới khi có vấn đề thật sự. Trước đó qua hàng chục lần nung, tôi đã thử nghiệm được vô số cách kết hợp màu men thú vị mà tôi sẽ không thể làm được nếu tôi không sở hữu riêng một lò. Tôi cho rằng làm việc với đồ rởm cũng là một loại kỹ năng. Tôi có một cái Wacom với ngòi bút thập thò mà tôi vẫn vẽ đẹp hơn mấy nguời dùng Ipad, vì nó luyện cho tôi điều khiển áp lực ngòi một cách tinh tế. Nếu bạn không tin thì cứ việc xem thử tranh ở đây. Tôi cũng từng điêu đứng với con máy DELL màn hình không được full HD hồi đại học, khi mà mỗi lần thiết kế hay vẽ là mỗi lần phải phối màu trong đầu vì tôi không tin được vào cái mình thấy trên màn hình. Vì vậy về sau tôi phối màu nhuần nhuyễn hơn khi vẽ bằng men, vì men làm gì có màu, nó đòi hỏi sự tưởng tượng. Tiện thể, tranh trong link trên là sản phẩm của những lần phối màu tưởng tượng đó đấy.
Bố tôi luôn dạy tôi: "Dùng đồ rởm mà vẫn làm tốt mới siêu. Còn dùng đồ tốt làm tốt mới chỉ là giỏi".
Tôi nặn một số món đa năng - vừa là khay đựng trang sức vừa là đèn ngủ với phần đế để gắn đèn trông giống chỗ "ấy" của phụ nữ (hay sao đó tùy mắt người nhìn). Tôi thích làm các thứ đa chức năng, có lẽ vì đã sống hơi lâu ở những nơi chật chội. Tôi đã quyết định rằng đồ gốm kết hợp với đồ họa chính là thứ định hình phong cách của mình từ khi tôi quyết tâm trở thành nghệ sĩ độc lập. Một trong những tôn chỉ của đồ họa là tính ứng dụng cao.
Tôi làm nguyên một series những thứ như vậy, có đèn tháo ra được làm lọ cắm hoa khô, có khay kết hợp đèn, có những cái khay chỉ là khay - dễ đựng đồ linh tinh. Chuyện là hầu hết những món trong đợt nung đầu tiên đều sứt mẻ. Cái thì mẻ vú, cái thì sứt bụng. Thủ phạm chính là cái lò nung gia nhiệt quá nhanh không theo lịch trình tôi thiết lập và có lẽ đã hỏng bộ điều khiển hoặc can nhiệt. Tôi đã chờ để tắt nó trước khi nó đạt 100 độ C đầu tiên, kiến thức vật lý cơ bản cho tôi biết đó là nhiệt độ sôi của nước. Nước thừa sẽ sôi lên bên trong đất sét và làm nó nổ tung nếu thứ bỏ vào lò chưa khô hẳn. Tuy rườm rà như vậy, nhưng có những món vẫn nứt vỡ nghiêm trọng. Chuyện trời ơi đó xảy ra 2 lần liên tiếp tới nỗi tôi lại một lần nữa lùng sục trên internet chỗ sửa lò, và dĩ nhiên là không thợ nào chịu đến coi. Đây là những món tôi muốn dùng làm portfolio để tham gia trại sáng tác ở Đài Loan, và nước đã dâng tới chân. Không muốn phí hoài công sức, tôi đành tìm cách chữa cháy. Những món sứt bụng mở ra một chân trời mới cho khái niệm mà tôi đã nói là chưa biết gọi thế nào trong tiếng Việt. Đầu tiên tôi chỉ lựa những món sứt nhẹ, mài đi và vẽ trang trí, cố tình làm nỗi phần nứt, trí trá để mọi người lầm tưởng là tôi cố tình. Sau đó vào một đêm đau khổ khi nghĩ tới hạn nộp bài, tôi đã tiến tới bước tiếp theo là gắn lại 2 mảnh rời hoàn toàn, cho ra cái thứ bên dưới.

Tôi dùng thủy tinh lỏng pha với bột thạch cao và đá nghiền, thành một hỗn hợp bột nhão lợn cợn. Thủy tinh lỏng dính chắc như keo, thạch cao làm mọi thứ phân tán đều, còn đá xay giúp giảm độ co ngót. Tôi dùng hỗn hợp này dính các phần rời và đắp thêm các chi tiết tôi mong muốn, rồi quét men trang trí và nung lần thứ 2.
Nghệ thuật cũng vô thường...
Kết quả khá khả quan. Tôi mê đường gồ ghề vô tiền khoáng hậu mà hỗn hợp tự chế kia đem lại. Thành thật mà nói, sẽ có người tò mò tôi làm hiệu ứng đó như thế nào. Nếu tôi bán cái này, tôi sẽ mạnh dạn nói nó là sản phẩm của một quá trình nung tốn điện, cầu kỳ; và để giá hơi cao. Không phải vì tôi cố tạo ra sự độc nhất — mà vì tôi thật sự không làm lại được một mảnh y chang.
Tôi đang nghiêm túc nghĩ về một concept sáng tác mới, đó là đưa những thứ còn hơi ẩm vào lò, cho nó nổ tung; rồi tôi sẽ thu lượm các mảnh vụn còn lại và ghép nó thành một tác phẩm mà trước đó tôi chưa từng tưởng tượng ra. Tôi chỉ cần tình toán bao nhiêu ẩm là đủ để cho ra những vết nứt hoặc mảnh vụn còn cơ cứu chữa. Đây là nghệ thuật của sự vô thường.
P.S. Cái khay gốm kèm đèn này đã không còn tồn tại, vì tôi đã tô men khác đè lên và nung lần thứ 3, tiếp tục tinh thần thử nghiệm.


Comments