Tự nhiên một ngày đẹp trời, tôi hứng lên muốn đại tu cái website. Coi như là một cách khai bút đầu xuân vậy. Không hiểu sao lúc đó máu nghệ sĩ nổi lên dữ dội, phải chỉnh làm sao cho nó thật “hoành tráng”. Lúc đầu, tôi chưa có ý tưởng cụ thể, chỉ biết chắc một điều: tránh xa phong cách tối giản ít nhất 800km. Tôi ghét minimalism, nhưng lại khoái bố cục thiết kế thoáng và sạch. Nghe có vẻ mâu thuẫn nhỉ?
Giai đoạn 1: Đồ Gốm ảnh hưởng tới Đồ Họa.
Ban đầu, tôi chọn bừa một kiểu thiết kế web để hòa hợp với chủ nghĩa méo mó theo tinh thần gốm sứ thủ công của mình. Cái này thì tôi rõ: tôi thích sự bất đối xứng, thích những thứ không hoàn hảo nhưng phải có những chi tiết tinh tế cố tình. Website lúc đó không phải là thứ gì quan trọng lắm. Tôi coi nó như cái bục để kê đồ gốm mà thôi—đơn giản để tôn lên hình ảnh sản phẩm. Lưu ý: Đơn giản khác tối giản! Đây không phải một trang web theo trường phái Minimalism, nó chỉ là một cái nền đủ thoáng để không lấn át nội dung.
Cũng thêm một lý do, đây là một trang web bán hàng, mà khách hàng thì rất dễ lạc lối. Tôi cần người ta đi đúng nơi và hạ cánh nhẹ nhàng ở trang sản phẩm. Trước đó, tôi đã liều mạng đặt cái tên thương hiệu Hand-Fetish-Projects cho dự án bán sản phẩm nghệ thuật độc lập này– một sự lựa chọn khiến Google hoang mang cực độ. Tôi tranh nhau các xếp hạng cao cho từ khóa "phê-tít" đó đó. SEO hơi toang. 🫠 Vậy nên phải tem tém phần nhìn, chớ làm khách hàng và Google thêm sợ hãi.
Giai đoạn 2: Khi sự hỗn loạn là lý tưởng thiết kế web.
Lại một ngày đẹp trời khác, tôi thấy rằng trang web mình hơi "hiền". "Hiền" đồng nghĩa với "chán" trong hệ quy chiếu của tôi. Tôi đành phải kiếm lại một font chữ khác ăn rơ hơn với cái logo. Tôi thêm một vài mảng màu đây đó, vài hình minh họa ngẫu hứng… và trước khi tôi kịp nhận ra, mọi thứ bắt đầu trở thành một nồi lẩu thập cẩm. Tôi đang nói theo nghĩa tích cực nhé—ai chẳng mê lẩu thập cẩm? Đây là nồi lẩu Hand-Fetish-Projects thơm ngon siêu hạng!
Tôi phát hiện ra tên của phong cách thập cẩm này - người trong giang hồ gọi nó là chủ nghĩa Hậu Hiện Đại, đi kèm với đó là phong cách thiết kế Hậu Hiện Đại. Quy tắc của phong cách này là không có quy tắc, bố cục vô lý, và chồng chéo chữ với hình theo cách khiến bạn phải hoài nghi kiến thức mỹ thuật hàn lâm. Hãy tưởng tượng:
Bố cục chắp vá trông có vẻ tùy tiện, nhưng thực ra được đặt để rất có chủ đích.
Những font chữ chẳng liên quan gì đến nhau nhưng vẫn được kết hợp một cách kỳ diệu.
Các khối chữ bị chồng lên nhau, vừa méo vừa glitch—chữ cũng là hình—tôi đã nói điều này bao nhiêu lần với những đứa thiết kế gà mờ, giờ tôi nói lại.
Website của tôi sau đó như được truyền nước biển—trông sống động hẳn ra.

Giai đoạn 3: Vương vấn phong cách Y2K vì đó là định mệnh.
Đến thời điểm này, tôi biết mình đã lún sâu vào hang thỏ của chủ nghĩa Hậu Hiện Đại. Nhưng hình như vẫn còn thiếu thiếu một thứ gì đó, gióng như nồi lẩu cần thêm tí tiêu tí ớt cho đậm đà— phong cách thiết kế web này cần thêm một chút hoài niệm, một chút táo bạo làm gia vị. Và rồi định mệnh đã can thiệp… dưới hình thức một chiếc CV cần chỉnh sửa.
Năm 2024 là một năm biến động dẫn đến thực tế là năm 2025 người người nhảy việc, trong số đó có sếp cũ giỏi giang của tôi. Sếp nhờ tôi sửa lại résumé cho chị ấy. Cả hai chúng tôi đều lớn lên trong thập niên 90, gắn bó cuộc đời trong buổi bình minh của công nghệ, nên dĩ nhiên, chúng tôi cảm thấy quyến luyến kỳ lạ với âm hưởng Y2K mà gần đây trở lại như một xu hướng của đám trẻ Gen Z. Quyết định đú trend, (ơ, nhưng đó là phát minh của lứa 8x-9x cơ mà), bằng cách đưa một chút hơi thở Y2K vào thiết kế—font chữ to bản, nền với họa tiết lưới và rất nhiều biểu tượng của thời đại liên lạc bằng tin nhắn điện thoại. Càng làm càng mê.
"Khoan đã… cái này vui ghê!"
Tôi là đứa ham vui trong thiết kế. Đó là lý do tại sao tôi không thể tiếp tục chôn chân trong văn phòng để thiết kế theo 1 quy chuẩn cho đám retail. Tôi thích kiểu thiết-kế-từa-lưa này.
Vậy nên, dĩ nhiên rồi, tôi áp dụng ngay phong cách đó vào thiết kế website của mình.

Giờ đây, thiết kế của tôi đã có một chút hơi hướng Y2K—nhưng không theo kiểu bóng loáng, kim loại lóa mắt như mấy cái đĩa CD cũ. Tôi chỉ chọn lọc những thứ mình thích và bỏ lại những thứ thừa thãi:
Typography phá cách—2 font chữ chính trông có vẻ chẳng hề liên quan. Một trong số đó là font có dạng Glitch - Y2K kinh điển.
Các yếu tố giao diện gợi nhớ đến hệ điều hành cũ—nhưng không lạm dụng, được dùng như họa tiết nên được cách điệu lại chứ không giữ nguyên. Cụ thể ở đây là hiệu ứng sọc của màn hình TV.
Thêm một chút màu xanh neon—nhưng là màu xanh mint hiện đại, không phải màu xanh bão hòa cao thường thấy.
Về cơ bản, tôi đang hồi sinh trải nghiệm internet tuổi thơ của mình, nhưng với một phiên bản hiện đại hơn, hậu hiện đại hơn, và… 'cybernetic' hơn.
Giai đoạn 4: Brainstorm với ChatGPT còn hiệu quả hơn với con người.
ChatGPT thông minh tuyệt đỉnh! Tôi có hàng vạn câu hỏi "vi sao" nhưng không biết hỏi ai—thế là ngay từ khi ChatGPT được khai sinh tôi đã đi hỏi nó đủ thứ. Dĩ nhiên lần này cũng vẫn là nó. Thế là bắt đầu một buổi brainstorm thần sầu với ChatGPT để tìm ra xem phong cách thiết kế website của tôi được thiên hạ gọi là gì.
Hãy cùng tóm lược hành trình cam go này: Tôi liên tục quăng cho ChatGPT những ảnh chụp màn hình web của tôi, háo hức chờ đợi câu trả lời. ChatGPT, với trí tuệ vô biên, đã phân tích từng chi tiết—giải mã sự hỗn loạn, bóc tách cấu trúc, soi từng nghịch lý. Nó phán rằng website của tôi mang hơi hướng Hậu Hiện Đại, nhưng vẫn có trật tự; có chút Y2K, nhưng không phải kiểu chrome lòe loẹt. Nó táo bạo trong tầm kiểm soát, vừa lộn xộn nhưng lại sạch sẽ, vừa hoài niệm nhưng mang hơi thở tương lai.
Vậy là sau nhiều hồi vật vã định nghĩa bản thân, tôi quyết định gọi phong cách này là:
Post-Minimal Cybernetic
Post-Minimal—Hậu-Tối Giản, bởi vì tôi biết tôi ghét phong cách Minimalism nhưng ưa thích sự gọn gàng đúng chứng năng của loại phong cách này.
Cybernetic—Công Nghệ Số, bởi vì nó có yếu tố điều khiển học của một thứ gì đó rất robotic, kiểu lập trình nhưng mà "nghệ"
Quả là rối rắm, nhưng không phải đó là tinh thần Hậu Hiện Đại tôi đang hướng tới hay sao?
Phán quyết cuối cùng: Tôi có phãi người khai sinh ra chủ nghĩa Post-Minimal Cybernectic không?
ChatGPT phán vậy đó!
Giờ thì tôi không nói rằng mình là kẻ tiên phong của một trào lưu thiết kế web mới... nhưng mà, nếu đúng là tôi vừa vô tình khám phá ra cả một phong trào nghệ thuật mới toanh thì sao? Nếu vài năm nữa, các trường thiết kế bắt đầu giảng dạy về Post-Minimal Cybernetic như một phong cách chính thống, thì hãy biết rằng tất cả đều bắt nguồn từ khoảnh khắc này? Nhớ nhé Google ơi!
Dĩ nhiên tôi không cần sự công nhận. Tôi không cần giải thưởng. Tôi cũng không cần tên mình được ghi vào sách lịch sử mỹ thuật. Tôi chỉ cần mọi người mua đồ họa và đồ gốm của tôi.
Vậy thôi nhé. Bài diễn văn kết thúc ở đây. Cảm ơn ai đó vì đã đọc tới đây.
תגובות